[Kiến Thức] Bạn Có Thực Sự Hiểu Về Những Chấn Thương Trong Chạy Bộ?

Lilian Li-Jung Huang
Đăng ngày 18/03/2021
3,155 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

 Nguồn ảnh: 123RF


Chạy bộ là môn thể thao phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta thường thấy rất nhiều người bất kể tuổi tác và giới tính chăm chỉ tập luyện trên đường phố. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy các động tác giơ chân, vung tay và xoay người ở mỗi người rất khác nhau. Một số người bước nặng nề trên mặt đất, trong khi những người khác lại nhẹ nhàng như những chú mèo. Một số người chạy thục mạng và rối loạn, trong khi những người khác tiến về phía trước một cách duyên dáng và nhanh chóng.

Chúng ta đều biết rằng chạy là một bài tập tốt, có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực như rèn luyện sức bền tim mạch, giảm cân, vận động cơ toàn thân. Nhưng trước khi sử dụng chạy bộ như một cách để có được sức khỏe tốt, trước tiên bạn nên hiểu rõ việc chạy bộ có thể mang lại những tác hại gì?


   Những chấn thương trong chạy bộ?

Có thể bạn không biết bất kỳ môn thể thao nào, nhưng chỉ cần có tay chân khỏe mạnh, chúng ta chắc chắn sẽ có thể đi bộ và chạy nhảy, chỉ là kỹ năng chạy có tốt hay không. Theo các nghiên cứu trước đây, những vận động viên các cuộc đua đường dài có tỷ lệ chấn thương thể thao trung bình từ khoảng 30 đến 50%, và hầu hết các chấn thương đều xảy ra ở chi dưới, đặc biệt là đầu gối. Chạy bộ là một bài tập rất dễ để bắt đầu, nhưng nếu bạn muốn chạy một cách thoải mái và chạy khỏe mạnh thì không hề đơn giản.

Nguồn ảnh: freepik

   Các yếu tố dẫn đến nguy cơ chấn thương khi chạy

Các yếu tố liên quan trực tiếp đến nguy cơ chấn thương khi chạy: tiền sử chấn thương trong quá khứ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng chạy, năng lực hiếu khí của cơ thể kém, khối lượng chạy trong thời gian ngắn quá cao. Tuy nhiên, các yếu tố khác như cấu trúc cơ thể, độ đàn hồi, sức mạnh của cơ bắp, và khả năng kiểm soát thần kinh cơ thì không thể quan sát trong một thời gian ngắn hoặc trong thời gian nghiên cứu. Hãy tưởng tượng rằng có một chiếc ô tô có có một hoặc hai con ốc bị lỏng (ví như cơ thể bạn đang không ở trong trạng thái lý tưởng) nhưng vẫn có thể chạy tốt trên đường. Là người lái xe, bạn có thể không cảm nhận được điều đó, nhưng sau một thời gian dài sử dụng, hoặc đi trên đường mấp mô (như cơ thể tăng cường độ hoạt động) thì vấn đề này rất dễ lộ ra.

Đó chính là lý do tại sao trong giới chạy bộ những năm gần đây đã có một xu hướng rằng: chạy bộ cũng cần rèn luyện cơ bắp toàn thân. Rõ ràng rằng chỉ với một bắp chân khỏe mạnh không thể giúp bạn chạy khỏe trong nhiều năm. Chạy bộ là một bài tập toàn thân, và nó cũng có nghĩa là toàn bộ cơ thể cần phải hoạt động hài hòa để chạy một cách hiệu quả và thoải mái.


   Các chấn thương phổ biến khi chạy

1. Lòng bàn chân, mắt cá chân và bắp chân

Viêm cân gan chân và viêm gân Achilles luôn là cơn ác mộng của nhiều vận động viên chạy bộ, đó còn chưa nói đến các chấn thương kinh khủng hơn như bong gân dây chằng cổ chân hay hội chứng đau cẳng chân (Medial tibial stress syndrome). Vì lòng bàn chân là khu vực đầu tiên chạm đất khi chạy, nên mọi tác động từ mặt đất sẽ truyền qua bộ phận này. Nếu cấu trúc đế của bàn chân không được bố trí tốt, hoặc động tác  iếp đất sai lệch, thì lực tác động từ mặt đất sẽ không thể truyền lên trên được. Do đó, lực này sẽ không được phân bố đến toàn bộ cơ thể, mà toàn bộ áp lực sẽ dồn xuống lòng bàn chân, dễ gây ra những chấn thương trên.


2. Đầu gối

Đầu gối là một trạm tiếp sức cho các chi dưới của chúng ta. Dưới đầu gối có khớp mắt cá chân, và trên đầu gối có khớp háng. Thông thường, đầu gối có vấn đề đồng nghĩa với việc có hai bộ phận khớp trên và dưới này bất bình thường, gây khó chịu cho đầu gối. Kể từ khi giày chạy bộ được cải tiến liên tục để cải thiện khả năng bảo vệ bàn chân và mắt cá chân, các vấn đề khác dần dần chuyển sang đầu gối và hông ...

Một vấn đề phổ biến với đầu gối là hội chứng đau xương bánh chè - đùi và đau xung quanh xương bánh chè trước, gây đau đớn khi bạn phải ngồi xổm và gập đầu gối mạnh. Bên cạnh đó hội chứng đau dây chằng bên ngoài đầu gối cũng là một trong những chấn thương phổ biến khi chạy.

 Nguồn ảnh: 123RF


3. Khớp háng

Ngoại trừ căng cơ ở mặt trước và mặt sau của đùi, các cơn đau khớp háng khác ít gặp hơn. Nhưng nếu khớp háng bị đau khi chạy, bạn có thực sự cần tìm đến chuyên gia y tế để tìm hiểu xem vấn đề có xuất phát từ chi dưới hay không? Hay vấn đề đến từ phần lõi của xương chậu bị ảnh hưởng? Hãy tìm hiểu rõ ràng những gì đang xảy ra với cơ thể thay vì cứ cứ mải mê luyện tập căng giãn cơ và sức mạnh cơ bắp. Có thể sau khi tập xong các bài tập này bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng điều đó không đảm bảo rằng bạn đang điều trị đúng hướng.


 Hông

Cũng giống như đau khớp háng, đau lưng dưới do chạy phần lớn là do chi dưới không có khả năng phân tán hiệu quả tác động của mặt đất và do xương chậu cử động kém. Và hông cũng là nơi chứa các cơ cốt lõi của chúng ta. Vì vậy, đau thắt lưng không thể tách rời khỏi các cơ cốt lõi và chức năng hô hấp Khi chức năng các cơ cốt lõi của một người bất thường thì các phần còn lại của cơ thể không thể hoạt động bình thường được.


 Vai

Có người bị đau vai khi chạy không? Sự thực là có. Vấn đề này thường xuất phát từ việc vung tay không đúng cách, gây nên sức ép trên vai phía trước, hoặc giữ cho khuỷu tay cong và vung quá lâu trong quá trình chạy đường dài khiến các cơ gập khuỷu tay phải hoạt động quá sức và ảnh hưởng đến mặt trước của vai.


  Tôi muốn chạy không chấn thương

Mọi môn thể thao đều tiềm ẩn nguy cơ chấn thương. Hiểu biết về chấn thương thể thao không có nghĩa sẽ khiến bạn sợ hãi và không tập thể dục. Có câu nói "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng." Chỉ khi nhận ra mối nguy hiểm, bạn mới có thể hiểu tầm quan trọng của việc sử dụng cơ thể của mình một cách chính xác, và khi đó tập thể dục mới thực sự có thể giúp bạn trên con đường đạt được sức khỏe tốt.

Nguồn bài viết: Running Biji